Thương chiến: Ai sẽ hết đạn trước?
“Họ sẽ hết đạn trước”. Đó là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông khơi mào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vào đầu năm 2018 trong nhiệm kỳ thứ nhất. Ông có lý do để nghĩ vậy, vì lúc đó Mỹ có nhiều ưu thế so với Trung Quốc. Nhưng bây giờ tình hình có thể đã khác…

Lượng hàng hóa xuất khẩu trị giá 505 tỉ đô la từ Trung Quốc sang Mỹ lúc bấy giờ vượt xa so với 130 tỉ đô la theo chiều ngược lại. Trung Quốc đã phải nhượng bộ nhiều trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nhưng cũng nhờ vậy mà họ vẫn là nước mà Mỹ có thâm hụt mậu dịch lớn nhất.
Bảy năm sau, tình hình đã khác, không còn một chiều như trước. Trung Quốc đã chuẩn bị “đạn dược” nhiều hơn. Tuần vừa rồi, Bắc Kinh thông báo sẽ tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Mỹ từ 84% lên 125%, có hiệu lực từ ngày 12-4, tương ứng với mức thuế Mỹ áp lên hàng Trung Quốc một ngày trước đó.
Trung Quốc cũng tuyên bố sẵn sàng “chiến đấu đến cùng” và nhấn mạnh sẽ có các biện pháp đối phó khác ngoài thuế quan, như quyết định dừng xuất khẩu nhiều loại khoáng sản đất hiếm, vốn đóng vai trò quan trọng trong các ngành công nghệ cao.
Hai nước Mỹ – Trung có mối quan hệ kinh tế và thương mại mật thiết, điều mang lại lợi ích cho cả hai bên suốt nhiều năm. Các công ty Mỹ tận dụng nhà máy giá rẻ ở Trung Quốc để bán hàng giá rẻ cho người tiêu dùng Mỹ và kiếm được lợi nhuận khổng lồ.
Trung Quốc thì tạo được việc làm cho lực lượng lao động đông đảo và giúp hàng triệu gia đình thoát nghèo. Khi sức mua của Trung Quốc tăng lên, nước này còn là thị trường khổng lồ và béo bở cho vô số thương hiệu Mỹ.
Các học giả nổi tiếng theo chủ nghĩa thể chế như Robert Keohane và Joseph Nye từng tin rằng sự tương thuộc phức tạp giữa Bắc Kinh và Washington sẽ khiến hai bên không thể xảy ra xung đột.
Tuy nhiên, ông Trump đang thách thức nhận định đó. Bất chấp các biện pháp của chính quyền Mỹ nhiều năm qua, sức mua hàng Mỹ của thị trường Trung Quốc vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới, với sản lượng vượt xa nhu cầu trong nước. Kết quả là thâm hụt thương mại hai bên lên tới gần 300 tỉ đô la, tương đương khoảng 1% nền kinh tế Mỹ – khoảng cách mà nay ông Trump muốn thu hẹp bằng thuế quan.
Trung Quốc gọi mức thuế quan của Mỹ là “trò đùa trong lịch sử kinh tế thế giới”. Mức thuế đó, nếu được tuân thủ nghiêm ngặt, về cơ bản sẽ gần như chấm dứt thương mại song phương. Không nhà nhập khẩu nào có thể chịu được giá hàng đột ngột tăng hơn gấp đôi.
Josh Lipsky, giám đốc cấp cao của Trung tâm địa kinh tế, Hội đồng Đại Tây Dương, nói mức thuế quan này “gần như là lệnh bế quan tỏa cảng” với hàng hóa hai bên.
Còn Trần Chí Vũ, giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh, Đại học Hong Kong, nhận định với trang 1news của New Zealand rằng nếu mức thuế quan cao được duy trì trong 6 tháng hoặc hơn “thực sự sẽ dẫn đến phân tách hoàn toàn (decoupling) trên thực tế giữa nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc”.

Tình hình tại Trung Quốc
Câu hỏi hiện nay là liệu nền kinh tế Trung Quốc có thể vượt qua tình trạng thương mại với Mỹ sụp đổ hoàn toàn hay không, khi thị trường đó vẫn chiếm khoảng 440 tỉ đô la kim ngạch xuất khẩu của họ.
Ben Simpfendorfer, đối tác và chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Oliver Wyman ở Hong Kong, cho biết Trung Quốc có thể chịu được thuế quan ở mức độ nào đó, nhưng sức mạnh chính của họ đến từ việc cắt giảm chi phí nhờ sản xuất tiên tiến, và tầm quan trọng của họ với chuỗi cung ứng trải dài trên các quốc gia có chi phí thấp hơn như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Mexico.
Dẫu vậy ngày 10-4, Goldman Sachs đã hạ kỳ vọng tăng trưởng với kinh tế Trung Quốc từ 4,5% xuống còn 4%, dù cũng dự báo sẽ có các biện pháp kích thích tài chính lớn từ Bắc Kinh để bù đắp cho xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Tất nhiên, câu chuyện không chỉ là kinh tế. Chính sách của ông Trump được truyền thông Trung Quốc mô tả như hình ảnh “đế quốc Mỹ bắt nạt”, khơi dậy tình cảm yêu nước trên mạng mạnh mẽ. Nhiều bài đăng trên mạng xã hội nhắc lại bài phát biểu thời chiến tranh lạnh của cố chủ tịch Mao Trạch Đông nói Mỹ là “con hổ giấy” và coi cuộc thương chiến là phép thử với sự kiên cường của đất nước.
Ngoài ra, Mỹ thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc về hàng hóa, nhưng lại thặng dư về các dịch vụ như tài chính, tư vấn và luật. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu dịch vụ lớn thứ năm của Mỹ, theo báo cáo của Quốc vụ viện Trung Quốc công bố tuần trước.
Do đó, Bắc Kinh có thể trả đũa nhắm vào ngành dịch vụ Mỹ bằng cách loại trừ công ty Mỹ khỏi quy trình mua sắm của chính phủ hoặc hạn chế hợp tác của họ với các công ty Trung Quốc.

Tình hình tại Mỹ
Ba tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo cho năm tới trên cơ sở nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng tốt hơn hầu hết các nền kinh tế khác.
Tuy nhiên hiện tại, nhiều nhà dự báo nghiêng về khả năng suy thoái ở Mỹ. Sau khi ông Trump áp thuế quan với hầu hết quốc gia, giới phân tích dự đoán lạm phát và tỉ lệ thất nghiệp sẽ cao hơn, còn tăng trưởng sẽ chậm lại.
Tác động của thuế quan sẽ được cảm nhận trên toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Tổ chức nghiên cứu Yale Budget Lab ước tính hàng dệt may nhập khẩu ở Mỹ sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, khiến giá hàng may mặc tăng 33% và hàng dệt may không phải quần áo tăng 18%.
Giá ô tô dự kiến sẽ tăng 15,8%, tức tăng 7.600 đô la so với giá trung bình vào năm 2024. Nông sản tươi sống có thể tăng 6,2%, trong khi giá thực phẩm nói chung tăng 4,5%. Xét cho cùng, không có ngành nào thực sự không bị ảnh hưởng bởi thuế quan.
Trương Văn Đống, phó giáo sư kinh tế ứng dụng và chính sách tại Đại học Cornell, cho The New York Times biết 73% điện thoại thông minh, 78% máy tính xách tay, 87% máy chơi trò chơi điện tử và 77% đồ chơi ở Hoa Kỳ đến từ Trung Quốc.
Dù iPhone và các phần cứng công nghệ khác của Apple sản xuất ở Trung Quốc đã được ông Trump miễn thuế đối ứng vào 12-4, với phần lớn nền kinh tế Mỹ và các chủ doanh nghiệp nhỏ, thiệt hại sẽ sớm trở nên không thể khắc phục được.
Giám đốc điều hành Amazon Andy Jassy nói với hãng tin CNBC hôm 10-4 rằng ông dự kiến thuế quan sẽ dẫn đến giá cao hơn với nhiều mặt hàng tiêu dùng, và người bán bên thứ ba của Amazon có khả năng sẽ chuyển chi phí do thuế quan vào giá bán. Một số người tiêu dùng Mỹ cũng đang chuẩn bị cho việc tăng giá bằng cách tích trữ hàng hóa.
Có thể mong đợi gì từ Trung Quốc và Mỹ trong thời gian tới? Kết quả trớ trêu nhất của thuế quan ông Trump áp với Trung Quốc có thể là tạo ra động lực nghiêm túc để Bắc Kinh thực hiện các cải cách kinh tế lớn trong nước nhằm thích nghi.
Về lâu dài, cuộc chiến thuế quan có thể thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuyển một phần năng lực sản xuất ra khỏi Trung Quốc, thậm chí là sang Mỹ.
Cùng lúc, Bắc Kinh có thể tận dụng sự phẫn nộ toàn cầu với thuế quan của Trump để thúc đẩy quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với các nền kinh tế đang phát triển và giàu có khác.
Theo Nguyễn Thành Trung
Báo Tuổi Trẻ