Thuế quan của Trump: Có hay không “Kế hoạch Mar-a-Lago”
Từ lúc Mỹ đe dọa rồi tạm dừng loại thuế “đối ứng” đánh lên hàng xuất khẩu nhiều nước, có rất nhiều phỏng đoán về lý do thật sự đằng sau chính sách này của Tổng thống Donald Trump và các cố vấn kinh tế của ông.

Từ đó, một bức tranh về chiến lược tổng thể của Mỹ dần rõ nét.
Không phải là mục tiêu ngắn hạn
Tổng thống Trump nhiều lần nhấn mạnh điều ông mong muốn là dùng thuế để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ về mức bằng 0, từ mức 1.200 tỉ đô la/năm hiện nay.
Điều này là bất khả: Về chuyện thâm hụt, Mỹ có thể giảm với nước này nhưng lại tăng với nước khác vì nhu cầu mua hàng hóa của Mỹ vẫn giữ nguyên, trong khi xuất khẩu không có gì đột biến.
Kinh tế gia từng đoạt giải Nobel, Robert Solow, ví von: “Tôi thường xuyên thâm hụt với người thợ hớt tóc cho tôi vì anh ấy không mua bất kỳ món gì của tôi cả”. Ngược lại, ông đang “thặng dư” với sinh viên vì được trả lương để dạy họ, nhưng chuyện như vậy là hết sức bình thường, không ai o ép ai và không ai thiệt thòi cả.
Nếu Mỹ mua nhiều áo quần may sẵn từ Sri Lanka hơn Sri Lanka mua thuốc men hay tuốc bin khí từ Mỹ, đó là do khác biệt về lợi thế so sánh, mức độ phát triển và nguồn lực tự nhiên của hai nước. Khác biệt về kim ngạch thương mại không nói lên sự cạnh tranh bất công nào cả.
Lấy ví dụ Mỹ hiện có thặng dư thương mại với Singapore, không phải vì đảo quốc nhỏ này mua nhiều hàng của Mỹ hơn là bán hàng cho Mỹ. Đơn giản vì hàng từ Mỹ nhập vào Singapore như một điểm trung chuyển, rồi tỏa đi các nước châu Á khác.
Hay Thụy Sĩ từng chịu thuế đối ứng cao vì nước này xuất khẩu rất nhiều vàng cho Mỹ. Thực tế đơn giản là dân buôn vàng chuyển vàng từ London sang Thụy Sĩ để đúc lại cho đúng kích thước họ cần rồi mới nhập vào Mỹ.
Một mục tiêu khác khi ông Trump đưa ra thuế đối ứng là nhằm thúc đẩy sản xuất quay về Mỹ. Liệu điều này có khả thi? Nếu Apple muốn đưa dây chuyền sản xuất điện thoại iPhone về Mỹ, họ sẽ phải đầu tư xây dựng nhà xưởng rất tốn kém, tuyển và huấn luyện công nhân Mỹ, tổ chức lại chuỗi cung ứng linh kiện – tất cả sẽ mất có khi cả chục năm và đội giá thành chiếc iPhone lên cao ngất ngưởng.
Giá một chiếc iPhone 16 Pro Max có thể tăng từ 1.599 đô la hiện nay lên 3.900 đô la nếu mức thuế 145% được áp dụng cho hàng nhập từ Trung Quốc.
Nhưng nếu Apple đưa dây chuyền iPhone về Mỹ, giá có thể còn tăng hơn gấp ba. Mà đó đã là ước tính ở mức lạc quan nhất; nhiều phân tích còn cho rằng giá iPhone thậm chí sẽ tăng cả ngàn phần trăm nếu sản xuất ở Mỹ.

Kế hoạch dài hạn thế nào?
Giảm thâm hụt thương mại đã khó, đưa sản xuất quay về Mỹ càng khó hơn. Vậy mục đích sau cùng của thuế đối ứng là gì?
Theo tiến sĩ Jennifer Burns, phó giáo sư tại Đại học Stanford, thuế đối ứng không hẳn là thuế, mà có thể là màn mở đầu cho kế hoạch đầy tham vọng để phá vỡ trật tự kinh tế và địa chính trị thế giới, rồi thay bằng một trật tự khác, phục vụ tốt hơn cho lợi ích của Mỹ.
Đây chính là kế hoạch mệnh danh “Thỏa ước Mar-a-Lago” do chính ông Trump và hai cố vấn kinh tế hàng đầu phác thảo (Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Stephen Miran).
Kế hoạch có mục tiêu củng cố vị thế thương mại toàn cầu của Mỹ bằng cách sử dụng thuế quan và các chiến thuật buộc thế giới chấp nhận một đồng đô la yếu hơn, từ đó làm xuất khẩu của Mỹ cạnh tranh hơn, gây sức ép lên hàng Trung Quốc và tăng năng lực sản xuất của Mỹ.
Trong quá khứ Mỹ từng đạt được Thỏa ước Plaza vào năm 1985 với các nước G5 để phá giá đồng đô la qua nhiều biện pháp được phối hợp chặt chẽ (Plaza là tên khách sạn nơi các nước đàm phán và ký kết thỏa ước).
Thỏa ước Plaza nhằm giải quyết hai vấn đề của Mỹ lúc đó. Đầu tiên là sự sụp đổ hệ thống tiền tệ sau Đệ nhị thế chiến khi đô la Mỹ gắn chặt vào giá vàng dẫn tới giá trị đô la được thả nổi. Thứ hai là lúc đó để đối phó lạm phát, Mỹ nâng lãi suất lên cao, vốn nước ngoài ào ạt rót vào Mỹ.
Cả hai yếu tố này làm đô la lên giá quá mức, hàng xuất khẩu của Mỹ đắt đỏ, không cạnh tranh nổi với hàng của Nhật, Đức… Thâm hụt thương mại Mỹ bắt đầu tăng vọt và sản xuất rời Mỹ sang các nước đang phát triển.
Nhưng Thỏa ước Plaza chỉ giải quyết vấn đề trong ngắn hạn. Về dài hạn, xu hướng Mỹ thâm hụt thương mại vẫn tiếp diễn, một phần do Mỹ dễ dàng in tiền để mua hàng bao nhiêu cũng được mà giá trị đồng đô la vẫn ít suy suyển.
Điều các chính quyền Mỹ trước đây xem là đặc quyền và để mặc cho nợ nước Mỹ ngày càng tăng thì chính quyền Trump có thể lại xem là mối nguy cần dập tắt.
Trong mắt chính quyền Mỹ hiện nay, sản xuất trong nước ngưng trệ, hàng triệu người thất nghiệp, bất công trong thu nhập kéo dài, ngày càng sâu sắc, nợ công ngày càng lớn, trong khi Mỹ phải chi tiêu quân sự nhiều để bảo vệ đồng minh.
Thỏa ước Mar-a-Lago ra đời trong bối cảnh đó. Trong công trình nghiên cứu xuất bản tháng 11-2024 tựa đề “Hướng dẫn tái cấu trúc hệ thống thương mại toàn cầu”, ông Miran cho rằng bước đầu tiên sẽ là gây đảo lộn, dùng thuế để phá vỡ trật tự kinh tế hiện tại, thúc đẩy các nước phải ngồi vào bàn đàm phán – bước này Mỹ đã làm xong.
Bước thứ hai sẽ là định giá lại đô la Mỹ thấp hơn. Bước đi này sẽ gây hại cho dự trữ ngoại hối của các nước, nhất là Trung Quốc. Nếu kế hoạch triển khai đúng ý đồ, xuất khẩu của Mỹ sẽ trở nên cạnh tranh hơn, Trung Quốc chịu nhiều thiệt hại cả về thuế lẫn giá trị dự trữ ngoại hối.
Theo lập luận này, chúng ta mới ở giai đoạn một của kế hoạch định hình trật tự thương mại mới và thuế đối ứng chỉ là màn khởi đầu.
Website Nhà Trắng vừa đăng phát biểu của ông Miran tại Viện Hudson. Một điều lạ là ông này xem đặc quyền của đồng đô la Mỹ như gánh nặng.
Ông nói: “Về khía cạnh tài chính, chức năng dự trữ của đồng đô la đã liên tục gây ra sự méo mó ngoại hối và cùng các rào cản thương mại bất công của các nước, góp phần vào thâm hụt thương mại không bền vững”.
Ngay cả việc các nước mua trái phiếu chính phủ Mỹ cũng bị xem là bơm tiền vào nước Mỹ để thao túng tỉ giá, làm hàng xuất khẩu rẻ đi.
Vì thế giai đoạn tiếp theo của kế hoạch Mar-a-Lago, theo Miran, sẽ là nước Mỹ vẫn duy trì chức năng dự trữ của đô la, nhưng các nước phải gánh phần chia sẻ chi phí. Chia sẻ chi phí theo ông chính là thuế quan đối ứng, để có tiền giảm thuế cho dân Mỹ, giảm thâm hụt ngân sách, từ đó giảm lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ…
Chia sẻ còn là những khoản đóng góp trực tiếp từ các nước EU để được Mỹ tiếp tục cam kết bảo vệ an ninh, hay các nước khác phải mua trái phiếu cực kỳ dài hạn của Chính phủ Mỹ.
Theo Nguyễn Vũ
Báo Tuổi Trẻ