Nhiều tuyến đường mới về đích đón đại lễ
Chỉ còn 3 tuần nữa, tại TP.HCM sẽ chính thức diễn ra ‘đại tiệc’ chào mừng 50 năm đất nước thống nhất, trong đó có một số con đường mới rộng đẹp chính thức khánh thành.
Mở đường đón người dân về TP.HCM dự đại lễ
Tuần đầu tháng 4, TP.HCM nói riêng cùng Nam bộ nói chung bước vào cao điểm nắng nóng của mùa khô. Chưa tới 6 giờ sáng, mặt trời đã rọi chói chang, càng tới trưa càng nắng nóng với nền nhiệt cảm nhận tới 40 độ C. Trong khi hầu hết mọi người đều hạn chế tối đa ra đường, máy lạnh và quạt bật hết công suất, thì trên công trường nút giao Vành đai 3 với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, hàng trăm công nhân, kỹ sư cùng đủ loại máy móc vẫn chạy hết công suất xuyên trưa, xuyên lễ, xuyên ngày nghỉ.

ẢNH: Nhật Thịnh
Tại dự án này, nhà thầu bố trí khoảng 23 mũi thi công với hơn 160 đầu máy, thiết bị các loại phục vụ thi công. Không khí khẩn trương, cấp tập như đẩy lùi cả cái nắng chói chang, bởi ai cũng quyết tâm đẩy tiến độ nhanh nhất có thể, kịp thông xe kỹ thuật vào 30.4, chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất.
Đây là 1 trong 6 nút giao lớn trên tuyến Vành đai 3 TP.HCM, kết nối TP.HCM với cầu Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), là “mắt xích” quan trọng giúp cải thiện giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Với thiết kế cầu vượt bắc qua Vành đai 3 cùng 4 nhánh rẽ, nút giao không chỉ giúp giảm thiểu ùn tắc mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện đi lại giữa các tuyến đường. Cùng với đó, gói thầu xây dựng cầu Nhơn Trạch cũng đang dần đi hết quá trình đếm ngược 60 ngày (tính từ 2.3) để hoàn thành đúng dịp 30.4, sớm hơn 4 tháng so với hợp đồng đã ký kết.
Đây cũng là dịp nhánh phía đông của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đi ngang qua 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai) dự kiến thông xe thêm 33 km, nâng tổng chiều dài khai thác lên hơn 43 km. Cụ thể, 1 đoạn sắp thông xe khoảng 14 km từ nút giao Phước An đến Vành đai 3 TP.HCM giúp các phương tiện có thể di chuyển liên tục hơn 20 km từ nút giao Vành đai 3 TP.HCM (H.Nhơn Trạch) đến nút giao QL51 (H.Long Thành) giảm tải áp lực giao thông cho cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Trong khi đó, đoạn 18,8 km từ đường Lê Khả Phiêu đến Nguyễn Văn Tạo (H.Nhà Bè, TP.HCM) đưa vào khai thác sẽ giúp các phương tiện có thể đi liền mạch hơn 22 km từ nút giao Mỹ Yên (Long An) đến nút giao Nguyễn Văn Tạo, tới Khu công nghiệp – cảng Hiệp Phước (H.Nhà Bè).
Như vậy, đại lễ tới, TP.HCM sẽ hoàn thành những ki lô mét đầu tiên của đường Vành đai 3, kết nối cùng cầu Nhơn Trạch và cao tốc Bến Lức – Long Thành, giúp rút ngắn đáng kể quãng đường từ TP.Thủ Đức đến H.Nhơn Trạch (Đồng Nai), mở ra hướng đi thuận lợi hơn giữa TP.HCM và các khu vực lân cận. Cùng với đoạn cao tốc Bến Lức – Long Thành đã đưa vào khai thác trước hồi đầu năm, người dân từ Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu có thể di chuyển thuận lợi tới TP.HCM xem lễ duyệt binh lần đầu tiên sau 50 năm giải phóng cùng hàng loạt các chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc khác.
Đón dòng khách lớn ngoại tỉnh, ở cửa ngõ phía đông TP, 760 m hầm chui HC1-01 thuộc nút giao An Phú cũng đã hiện rõ hình hài 4 làn xe hai chiều, sẵn sàng đấu nối trực tiếp đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm vượt sông Sài Gòn). Để về đích vào lễ 30.4, những ngày qua, các nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực, máy móc, tăng ca làm việc cả ngày lẫn đêm, khẩn trương thi công các đốt hầm K9-K15, hệ thống đường ống D800 và trạm bơm. Theo thông tin từ chủ đầu tư, hạng mục hầm chui hiện đã đạt hơn 90% khối lượng, dự kiến sẽ thông xe trước ngày 30.4. Sau khi đưa vào sử dụng, hầm chui HC1-01 sẽ giúp phương tiện di chuyển thuận tiện từ cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đến đường hầm vượt sông Sài Gòn, giảm ùn tắc tại cửa ngõ phía đông TP.
Chờ khánh thành đường mới
Không chỉ giao thông kết nối liên tỉnh, những trục đường quan trọng phía trong TP.HCM cũng đang chạy nước rút.
Những ngày qua, dọc trục đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp), những trụ điện án ngữ giữa đường đã lần lượt được di dời, trả lại mặt đường thông thoáng, rộng rãi. Trước đó, khoảng 70 trụ điện kéo dài dọc tuyến không chỉ khiến người dân gặp khó khăn khi di chuyển mà còn là chướng ngại vật cản trở công tác thi công của dự án mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (đoạn từ Q.Bình Thạnh đến Công viên Văn hóa).
Đây cũng là một trong những công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất. Khi hoàn thành, Dương Quảng Hàm sẽ trở thành trục giao thông quan trọng của Q.Gò Vấp, góp phần giảm áp lực cho các tuyến đường lân cận như Phan Văn Trị, Nguyễn Thái Sơn, Lê Đức Thọ.

ẢNH: Nam Anh
“Quan trọng nhất là đường hết thi công, hết bụi bặm. Đã 6 năm rồi, bà con ở đây ai cũng mong tuyến đường sớm hoàn thành để còn yên ổn làm ăn, sinh sống. Với những người tình nguyện giao mặt bằng sớm như chúng tôi, niềm mong mỏi này còn lớn hơn. Mọi người cũng đang rục rịch treo cờ rồi, chờ ngày khánh thành đường mới là “ăn” lễ tưng bừng luôn”, ông T.T.Quân (sinh sống trên đường Dương Quảng Hàm) chia sẻ.
Cũng nằm hướng Tây Bắc TP, sau hơn 2 năm thi công, 6 làn xe tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa đã trải thảm sạch đẹp hơn 4 km. Những ngày qua, công nhân cùng nhiều máy móc đang thực hiện rải thảm nhựa mặt đường, ốp đá vỉa hè, trồng cây xanh, lắp dải phân cách, lắp hệ thống đèn chiếu sáng… Dải phân cách đoạn dưới chân cầu vượt trước nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang nối dài hơn từng ngày. Công trình cầu vượt trước nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đã gần như hoàn thiện, sẵn sàng đi vào hoạt động trong tháng này. Cầu vượt có chiều dài 988 m, được thiết kế hiện đại, bắt đầu từ tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, băng qua đường 18E và kết thúc tại nút giao Hoàng Hoa Thám. Điểm nhấn của công trình là một nhánh riêng dẫn trực tiếp vào nhà ga T3, giúp phương tiện lưu thông nhanh chóng, hạn chế tình trạng dồn ứ xe cộ vào giờ cao điểm.

ẢNH: LINH LINH
Dự kiến tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa dẫn vào nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chính thức thông xe dịp 30.4, cùng nhịp nhà ga T3 góp phần giải tỏa áp lực giao thông khu vực sân bay và “chia lửa” cho đường Cộng Hòa vốn đã quá tải, đồng thời tạo thêm một tuyến tiếp cận nhanh chóng và thuận tiện hơn cho hành khách.
Dịp lễ này, từ Bình Dương, Đồng Nai, TP.Thủ Đức, hành khách tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất tới nhà ga mới T3 có thể di chuyển theo lộ trình Phạm Văn Đồng – Bạch Đằng – Trường Sơn – đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa để đến nhà ga. Từ trung tâm TP.HCM, tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi – Phan Thúc Duyện – Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa là phương án khả thi và thuận tiện. Trong khi từ phía tây và tây bắc (khu vực Q.Bình Tân, H.Bình Chánh, H.Hóc Môn, H.Củ Chi), hành khách có thể tiếp cận nhà ga qua đường Cộng Hòa hoặc Hoàng Hoa Thám – Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa. Đây cũng là một bước tiến lớn trong việc nâng cấp hạ tầng giao thông tại Q.Tân Bình và các khu vực lân cận, mở ra triển vọng phát triển đô thị hiện đại và bền vững.
Những chuyến bay, chuyến tàu đặc biệt
Đường bộ tăng tốc về đích, đường không và đường sắt cũng đang tất bật chuẩn bị cho những hành trình đặc biệt nối hai đầu Bắc – Nam.
Theo thông tin mới nhất từ Cục Hàng không, dịp cao điểm lễ 30.4 – 1.5 sắp tới, trên các đường bay nội địa, các hãng hàng không VN dự kiến thực hiện 7.536 chuyến bay, trung bình 685 chuyến/ngày. Chỉ tính riêng các đường bay đi, đến TP.HCM đã được các hãng hàng không lên kế hoạch thực hiện hơn 5.000 chuyến với trung bình 462 chuyến/ngày, cung ứng 1,03 triệu ghế.
Dự kiến khánh thành đúng dịp cao điểm lễ 30.4 – 1.5, đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết cảng đã lên kế hoạch kiểm tra hoạt động ổn định các hệ thống trang thiết bị, quy trình phục vụ hành khách, công tác huấn luyện đào tạo, truyền thông tới hành khách và đã xây dựng kế hoạch dự kiến khai thác nhà ga hành khách quốc nội T3. Trước mắt, dự kiến các đơn vị sẽ khai thác các chuyến bay nội địa tại nhà ga T3 là 2 hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air. Đây là hai hãng có số lượng chuyến bay và tần suất hoạt động cao nhất, khi chuyển sang trước trong giai đoạn thử nghiệm sẽ đáp ứng yêu cầu giảm tải cho nhà ga hiện hữu.
Cảng sẽ tổ chức thử nghiệm khai thác thực tế tại nhà ga hành khách quốc nội T3 trước khi khánh thành vào 30.4 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Nhà ga hành khách quốc nội T3 sẽ khai thác chính thức từ sau giai đoạn cao điểm 30.4 – 1.5.
Sau thời gian thử nghiệm, các đơn vị chức năng sẽ có đánh giá chi tiết và công bố chính thức kế hoạch khai thác cụ thể vào ngày khai trương nhà ga. Các chuyến bay nội địa của 4 hãng hàng không còn lại là Vasco, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines tiếp tục khai thác tại nhà ga hành khách quốc nội T1.
Như vậy, đúng dịp cao điểm lễ sắp tới, người dân TP.HCM và du khách sẽ chào đón một nhà ga hành khách quốc nội công suất 20 triệu hành khách/năm, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Đại diện Tổng công ty Cảng hàng không (ACV – chủ đầu tư) cho biết đến nay tổng khối lượng thi công dự án đã đạt 99%, đáp ứng tiến độ so với kế hoạch. Hình hài nhà ga, nhà xe cao tầng, sân đỗ máy bay và hệ thống cầu cạn trước nhà ga… đều đã nên hình nên dáng. Khu phức hợp thương mại – văn phòng được thiết kế theo kiểu hình tròn xoắn ốc cũng đã hoàn thành các hạng mục chính.
Hòa chung không khí rộn ràng mùa đại lễ của dân tộc, ngành đường sắt cũng vừa công bố kế hoạch tái hiện “Đoàn tàu Thống nhất” với thiết kế riêng, mang đậm dấu ấn của sự kiện lịch sử 30.4.1975. Theo đó, tàu SE1 xuất phát từ ga Hà Nội và SE4 xuất phát từ ga Sài Gòn dự kiến vào tối 29.4. Hai đoàn tàu sẽ gặp nhau lúc 12 giờ trưa ngày 30.4 tại ga Đà Nẵng. Đáng chú ý, tại lễ tiễn tàu tối 29.4, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ phối hợp với đối tác, chuẩn bị một số phần quà bất ngờ dành cho hành khách trên hai đoàn tàu này; đồng thời giảm 40% giá vé đối với những người có công với cách mạng gồm thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thân nhân người có công với cách mạng… Đặc biệt từ nay đến hết kỳ nghỉ lễ, khi mua vé tàu hành khách có cơ hội cùng với ngành đường sắt tạo nên đoàn tàu Thống nhất trên không gian mạng. Cụ thể, mỗi một vé đặt mua thành công là một lá cờ đỏ sao vàng được hiển thị trên hệ thống bán vé.
Nhà ga T3 – Tân Sơn Nhất sẵn sàng khai trương ngày 30.4
Nhà ga T3 chắc chắn sẽ giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện hữu. Cảng đã lên kế hoạch kiểm tra hoạt động ổn định các hệ thống trang thiết bị, quy trình phục vụ hành khách, công tác huấn luyện đào tạo, truyền thông tới hành khách và đã xây dựng kế hoạch dự kiến khai thác nhà ga mới, sẵn sàng cho ngày khai trương 30.4 và phục vụ hành khách sau đó.Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất
Đợt này, ngành đường sắt đã tổ chức mở bán vé tàu từ sớm và tăng cường thêm nhiều chuyến tàu trên các tuyến trọng điểm so với ngày thường nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân dịp lễ 30.4 – 1.5 tới.
Theo đó, tuyến Hà Nội – TP.HCM, ngoài 5 đôi tàu khách Thống Nhất chạy hằng ngày, sẽ chạy thêm 2 chuyến tàu SE9 các ngày 29 – 30.4 từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn. Trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng, ngoài 4 đôi tàu chạy hằng ngày, chạy thêm các tàu LP10, HP4 xuất phát ga Hải Phòng, tàu HD2 xuất phát ga Hải Dương ngày 2 – 4.5.
Ngoài ra, với các điểm đến khu vực miền Trung tăng thêm 4 chuyến tàu Sài Gòn – Đà Nẵng; 8 chuyến tàu chặng Sài Gòn – Quy Nhơn, 6 chuyến chặng Sài Gòn – Nha Trang, 2 chuyến chặng Sài Gòn – Phan Thiết, 2 chuyến chặng Hà Nội – Đà Nẵng và 4 chuyến chặng Hà Nội – Đồng Hới…
Theo Hà Mai
Báo Thanh Niên