Nhơn Trạch , Long Thành hai cực tăng trưởng của Đồng Nai
Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai xác định khu vực đô thị Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành và khu vực hành lang sông Đồng Nai là 2 khu vực động lực phát triển mới của tỉnh đến năm 2030. Với định hướng này, Nhơn Trạch và Long Thành cũng được định hình sẽ trở thành hai cực tăng trưởng mới, tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Bài 1 – Nhơn Trạch – cửa ngõ giao thương quan trọng của Đồng Nai
Nằm ở tâm điểm của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, được bao bọc bởi 4 con sông là Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải, huyện Nhơn Trạch đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Đồng Nai. Trong tương lai, đây cũng sẽ là khu vực được kỳ vọng trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Huyện Nhơn Trạch hiện là trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh với 10 khu công nghiệp (KCN), trong đó 9 KCN đang hoạt động, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài (FDI). Hiện 2 tập đoàn FDI có vốn đầu tư vào tỉnh lớn nhất là Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) và Formosa (Đài Loan) đều nằm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.
Trung tâm Công Nghiệp – Cảng biển

Năm 1997, KCN Nhơn Trạch I được chính thức thành lập, đây là KCN đầu tiên được thành lập trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Trong vòng hơn 10 năm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đã phát triển được 9 KCN. Vào tháng 8-2024, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 (về hạ tầng kỹ thuật và khu công nghiệp). Theo đó, thực hiện điều chỉnh chức năng đất tại phân khu dịch vụ hậu cần cảng và cảng Phước An sang đất công nghiệp để xây dựng mới KCN Phước An.
Như vậy, với 10 KCN trên địa bàn, huyện Nhơn Trạch là địa phương có nhiều KCN nhất toàn tỉnh hiện nay. Điều này cũng đã khẳng định thế mạnh về phát triển công nghiệp của huyện.
Theo UBND huyện Nhơn Trạch, đến nay, các KCN trên địa bàn đã thu hút 447 dự án FDI với số vốn trên 11,2 tỷ USD và 174 dự án đầu tư trong nước với số vốn trên 66 ngàn tỷ đồng. Tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm trên 81% cơ cấu kinh tế của địa phương.
Với lợi thế lớn về vị trí địa lý, các KCN trên địa bàn huyện Nhơn Trạch có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư. Điều này được thể hiện ở tỷ lệ lấp đầy diện tích đất cho thuê đạt hơn 88% tại 9 KCN đã đi vào hoạt động trên địa bàn huyện. Từ đó, tạo công ăn, việc làm cho hơn 130 ngàn lao động.
Bên cạnh vị thế dẫn đầu về phát triển công nghiệp, cảng biển cũng là một thế mạnh lâu nay của huyện Nhơn Trạch. Đây cũng đang là địa phương có nhiều cảng biển nhất của tỉnh. Trong đó, cảng Phước An đang giữ vị trí là cảng biển lớn nhất của Đồng Nai.
Đầu tư cho hạ tầng giao thông đang được tỉnh Đồng Nai xem là đột phá chiến lược để Nhơn Trạch bứt phá phát triển.

Ảnh 2: Hơn 7km đường cao tốc Bến Lức – Long Thành qua địa bàn huyện Nhơn Trạch đã được thông xe, đưa vào khai thác từ đầu năm 2025. Ảnh 3: Cầu Nhơn Trạch trên tuyến đường Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh được thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 4.
Ảnh: Phạm Tùng
Giáo sư, tiến sĩ Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viên Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, Cảng biển Phước An, với tổng diện tích 735 hécta bao gồm khu cảng và khu dịch vụ hậu cần, là một trong những dự án hạ tầng giao thông, logistics trọng điểm không chỉ của Đồng Nai mà của khu vực phía Nam.
Theo ông Vinh, Cảng Phước An có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu thông quan và lưu trữ hàng hóa cho các KCN đang hoạt động trên địa bàn huyện Nhơn Trạch cũng như các KCN tại cá huyện Long Thành, Thống Nhất và thành phố Biên Hòa. “Hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh Đồng Nai sẽ được vận chuyển trực tiếp bằng đường biển, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí xếp dỡ, vận chuyển và vừa không chịu chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng, cảng biển tại tỉnh, thành khác. Từ đó, tạo lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh đồng thời góp phần giảm áp lực giao thông đường bộ”- Giáo sư, tiến sỹ Võ Xuân Vinh cho hay.
Trong khi đó, tiến sĩ Bùi Quang Xuân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai nhìn nhận, Nhơn Trạch có lợi thế về vị trí địa lý với hướng phát triển ra biển, tạo điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế và giao thương quan trọng của tỉnh Đồng Nai. Thời gian tới, khi hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng, đặc biệt là kết nối với cảng biển, sân bay và các trung tâm công nghiệp lớn trong khu vực được đầu tư đồng bộ, Nhơn Trạch sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngày 9-1-2023, Ban Thường vụ Tính ủy đã đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển đô thị Nhơn Trạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm
2040. Theo đó, mục tiêu đề ra là tập trung huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện để phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo hướng phát triển Nhơn Trạch là đô thị công nghiệp – thành phố cảng.
Khu vực kinh tế năng động của Đồng Nai

ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2. Ảnh: HƯƠNG GIANG
Với những thế mạnh sẵn có, nhiều năm qua, Nhơn Trạch đã có những đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của Đồng Nai. Đây là một trong những địa phương luôn nằm trong top đầu về thu ngân sách của tỉnh.
Tỉnh Đồng Nai xác định vị thế và tầm quan trọng chiến lược của huyện Nhơn Trạch về phát triển kinh tế- xã hội nên những năm qua, tỉnh cũng đã ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ nhu cầu phát triển. Các tuyến đường 319, đường kết nối vào cảng Phước An đã được tỉnh đầu tư xây dựng.

Hiện nay, bên cạnh các dự án hạ tầng giao thông quan trọng được trung ương đầu tư như: đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh cũng đã tập trung ưu tiên nguồn vốn để triển khai đầu tư các dự án đường tỉnh 25B, 25C, đường liên cảng nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cho Nhơn Trạch tăng tốc phát triển. Theo kế hoạch, vào cuối năm 2025, các tuyến đường Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh, đường tỉnh 25B, 25C sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng. Cầu Nhơn Trạch trên tuyến Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối Nhơn Trạch với Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 4-2025.

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, khi hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, Nhơn Trạch sẽ có rất nhiều thời cơ để bứt phá phát triển.
Theo quy hoạch tỉnh, trong khu vực hành lang sông Đồng Nai, một trong hai khu vực động lực phát triển mới của tỉnh, Nhơn Trạch thuộc đoạn 5 của hành lang sông Đồng Nai. Đây là khu vực được định hướng phát triển các đô thị ven sông, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Tiến sĩ Bùi Quang Xuân cho rằng, Nhơn Trạch có tiềm năng lớn về du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng ven sông. Việc khai thác hợp lý sẽ giúp đa dạng hóa nguồn thu, tăng cường phát triển kinh tế địa phương. Trên cơ sở này, Nhơn Trạch có thể trở thành một khu vực kinh tế năng động, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của tỉnh Đồng Nai và khu vực Đông Nam Bộ. “Nhơn Trạch cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển và phải có chiến lược đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ và dịch vụ cao cấp”- tiến sĩ Bùi Quang Xuân gợi mở.

“Theo quy hoạch phát triển tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, Nhơn Trạch sẽ được định hướng trở thành thành phố công nghiệp – dịch vụ – đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng và logistics. Với định hướng đó, Nhơn Trạch được xác định là khu vực phát triển động lực, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ”,
Giáo sư, tiền sĩ Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viên Nghiên cửu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
Theo Phạm Tùng – Khánh Minh – Trần Hảo
Báo Đồng Nai