Sau hơn 10 năm chờ đợi: Cầu Cát Lái đã sẵn sàng để khởi công ?
Dự án cầu Cát Lái — cây cầu nối TP Thủ Đức (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) — đã được kỳ vọng từ hơn một thập kỷ trước. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị và triển khai liên tục gặp trở ngại vì nhiều lý do liên quan đến quy hoạch, nguồn vốn và cơ chế hợp tác giữa hai địa phương. Gần đây, theo thông tin từ ban lãnh đạo TP.HCM, tỉnh Đồng Nai và Bộ Xây dựng , dự án đang bước vào giai đoạn quan trọng. Khả năng khởi công trong tương lai đang dần hiện rõ, đặc biệt khi các bên đã thống nhất về mô hình đầu tư cũng như phương án kỹ thuật.
Dự án hạ tầng quy mô lớn, kết nối chiến lược vùng Đông Nam Bộ

Được đề xuất từ trước năm 2010, cầu Cát Lái ban đầu dự kiến dài khoảng 4,5 km với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo cập nhật mới nhất (tháng 4/2025), dự án hiện có quy mô lớn hơn nhiều: tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 11,37 km, trong đó phần cầu chính vượt sông dài hơn 3 km. Cầu được thiết kế với vận tốc 80 km/h, mặt cắt ngang gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp.
Tổng vốn đầu tư được xác định khoảng 19.391 tỷ đồng, chia thành 4 hạng mục: giải phóng mặt bằng tại TP.HCM và Đồng Nai, xây cầu chính và tuyến đường nối. Dự án được triển khai theo hình thức PPP, hợp đồng BOT, trong đó vốn nhà nước tham gia gần 50%, còn lại do nhà đầu tư huy động.

Phà Cát Lái hiện đang gánh lượng lớn người và phương tiện qua lại mỗi ngày, thường xuyên quá tải và ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm. Việc xây cầu không chỉ là yêu cầu cấp thiết, mà còn là bước đi lâu dài giải quyết triệt để điểm nghẽn tại cửa ngõ phía Đông TP.HCM, nối TP.HCM với Nhơn Trạch, sân bay quốc tế Long Thành. Khi đưa vào sử dụng, quãng đường từ trung tâm TP.HCM đi sân bay Long Thành sẽ được rút ngắn đáng kể, tăng tính kết nối vùng và thúc đẩy giao thương, logistics.

Tác động mạnh đến phát triển đô thị và thị trường bất động sản
Cầu Cát Lái giúp TP.HCM mở rộng không gian đô thị về phía Đông. Các khu vực từng bị đánh giá là “vùng trũng hạ tầng” sẽ nhanh chóng trở thành những điểm kết nối sôi động, giúp TP.HCM mở rộng trục phát triển sang phía Đồng Nai.
Việc khởi công cầu Cát Lái được xem là cú hích lớn, mở ra chu kỳ tăng giá mới cho khu vực Nhơn Trạch nhờ khả năng kết nối mạnh mẽ với trung tâm TP.HCM và sân bay Long Thành. Giới đầu tư đang theo dõi sát sao các diễn biến của dự án, bởi hiệu ứng hạ tầng chắc chắn sẽ tác động lớn đến giá trị đất đai, Nhơn Trạch, Long Thành có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới nhờ khả năng tiếp cận dễ dàng, kết nối thuận lợi và nhu cầu nhà ở tăng cao.

Triển vọng rõ ràng hơn bao giờ hết
Hiện lãnh đạo TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đang gấp rút hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phối hợp cùng Bộ Xây dựng để thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt. Nếu mọi thủ tục diễn ra thuận lợi, dự án có thể khởi công trong giai đoạn 2026 – 2027 và hoàn thành sau 3 – 4 năm.
Cầu Cát Lái – biểu tượng hạ tầng chiến lược phía Đông Nam Bộ – đang tiến gần hơn tới hiện thực. Sau hơn một thập kỷ chờ đợi, người dân TP.HCM và Đồng Nai đang có cơ sở để tin rằng cây cầu kỳ vọng này sẽ không còn nằm mãi trên giấy.
TAMADA