Dự kiến bùng nổ nguồn cung BĐS phía Nam vào quý II
Thị trường BĐS phía Nam đang phát triển mạnh mẽ, dự kiến có thêm ít nhất 8.000 sản phẩm mở bán trong quý II, tăng gấp ba lần so với quý I.

Tổng quan về BĐS toàn quốc
Theo báo cáo của viện nghiên cứu Datxanh Services, trên phạm vi cả nước, tổng sản phẩm nhà đất mở bán lần đầu tăng gần gấp đôi so với quý I. Nhờ đó, tổng cung sơ cấp (gồm sản phẩm mới và hàng tồn kho) tích lũy gần 52.000 sản phẩm, tăng 4% so với quý trước.
Riêng thị trường BĐS phía Nam chiếm ưu thế vượt trội với 54% giỏ hàng cả nước, tăng gấp 3 hồi đầu năm (quý I chỉ có 1.700 sản phẩm). Cộng với hàng tồn kho từ các quý trước, lượng chào bán khu vực này đạt hơn 23.000 sản phẩm, chủ yếu là căn hộ, đất nền tập trung tại TP HCM, Bình Dương, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Công ty tư vấn dịch vụ DKRA Group cũng có dự báo với diễn biến tương tự. Theo đơn vị này, trong quý II, riêng TP.HCM và các khu vực vệ tinh sẽ đón khoảng 5.200 sản phẩm mở bán mới, nâng tổng cung sơ cấp khu vực này lên hơn 24.000 sản phẩm. Trong đó, phân khúc căn hộ chiếm hơn 60%, chủ yếu ở TP.HCM và Bình Dương, còn đất nền và nhà liền thổ tập trung tại Long An, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sự gia tăng mạnh mẽ BĐS phía Nam chủ yếu đến từ việc nhiều dự án được triển khai nhờ các chủ đầu tư lớn như Vingroup, Eco Park, Đất Xanh,… ở khu vực Bình Dương, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trái ngược với thị trường BĐS miền Nam, thị trường miền Bắc có nguồn cung chậm lại, với khoảng 4.000 sản phẩm mở bán, giảm gần 20% so với quý trước và chiếm khoảng 29% tổng giỏ hàng. Miền Trung vẫn ở mức khiêm tốn với khoảng 2.000 sản phẩm, tương đương 14% tổng nguồn cung mới.
Nhận định về bất động sản và kịch bản thị trường
Mặc dù nguồn hàng mới dồi dào, nhưng sức cầu được dự báo khó tăng. Các chuyên gia đều nhận định thanh khoản vẫn trong trạng thái chững lại, do tâm lý e ngại từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Theo ông Lưu Quang Tiến, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Dat Xanh Services, cho biết thị trường đang ở trạng thái “quan sát thay vì mạnh tay xuống tiền”, nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, đặc biệt với phân khúc đầu tư và lướt sóng”.
Tương tự, ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng giám đốc DKRA, nhận định thị trường có thể chững lại trong giai đoạn 90 ngày tạm hoãn thuế quan từ Mỹ, đến khi chờ kết quả đàm phán chính thức.
Từ diễn biến tâm lý nhà đầu tư, Dat Xanh Services đưa ra 3 kịch bản về thị trường:
- Kịch bản lạc quan: Nếu đàm phán thương mại với Mỹ thành công, nguồn cung mới có thể tăng 25–30%, lãi suất thả nổi giữ ở mức 8 – 10%, tỷ lệ hấp thụ đạt kỳ vọng 30 – 40%.
- Kịch bản kỳ vọng (khả thi nhất): Nguồn cung tăng 20 – 25%, lãi suất thả nổi cao nhất 11%, tỷ lệ hấp thụ đạt sẽ chỉ đạt 25 – 30%.
- Kịch bản thách thức: Nếu đàm phán không thành, nguồn cung chỉ tăng 15 – 20%, lãi suất dao động từ 10 – 12%, tỷ lệ hấp thụ tối đa chỉ 25%.
Dù thanh khoản chịu nhiều thách thức, nhưng giá nhà vẫn được dự báo tăng tiếp, đặc biệt là ở thị trường BĐS phía Nam vẫn được dự báo tăng nhẹ do chi phí đầu tư và quy hoạch hạ tầng tăng cao. Cụ thể:
- Giá căn hộ và nhà liền thổ có thể tăng 3 – 5%, chủ yếu ở phân khúc cao cấp và hạng sang.
- Giá bán thứ cấp (mua đi bán lại) có thể tăng mạnh từ 10 – 15%, nhất là tại các khu vực có khả năng sáp nhập địa giới hành chính.
Theo Pham Duyen
Real Estate business