Tin mới nhất

Vị thế Đồng Nai – trọng điểm kinh tế trong bản đồ vùng Đông Nam bộ sau sáp nhập

Trong 6 tỉnh của khu vực Đông Nam bộ, việc sáp nhập tỉnh thành sẽ mang đến cho tỉnh Đồng Nai một bước ngoặt lớn để trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 04/5/2024) được kỳ vọng sẽ tái thiết không gian phát triển, nâng tầm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thành cực tăng trưởng mới của khu vực Đông Nam Á.

Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Quy hoạch vùng lần này phải đặt trong tầm nhìn dài hạn, tư duy đột phá và tầm nhìn quốc tế, nhằm tạo ra một không gian phát triển hài hòa, bền vững và có khả năng cạnh tranh toàn cầu”.

Mở rộng diện tích và hạ tầng là điểm mạnh của tỉnh Đồng Nai sau sáp nhập
Việc Chính phủ ra quyết định sáp nhập các đơn vị hành chính để hình thành các thực thể kinh tế, đô thị có quy mô và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đòi hỏi đa dạng về các tiêu chí mới.

Cụ thể, đề xuất mở rộng TP.HCM bằng cách sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai); đồng thời sáp nhập tỉnh Bình Phước vào Đồng Nai để hình thành vùng động lực phát triển công nghiệp, thương mại, logistics,… gắn với hành lang kinh tế Tây Nguyên và Campuchia.

Sân bay Long Thành đang được xem là biểu tượng kinh tế của cả vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Thiên Phúc

Việc mở rộng địa giới hành chính không chỉ là một bài toán địa lý khi tỉnh Đồng Nai mới (sau sáp nhập tỉnh Bình Phước) sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, nông nghiệp xanh, hậu cần và đào tạo nhân lực của toàn vùng.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch vùng đã nhấn mạnh vai trò của hạ tầng như một trụ cột không thể thiếu trong mô hình phát triển vùng hiện đại.

Các dự án giao thông trọng điểm đang và sẽ triển khai trong vùng có tính chiến lược cao, gồm: Sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, Biên Hòa – Vũng Tàu, TP HCM – Chơn Thành, Vành đai 3 và 4 TP.HCM, cùng tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu. Đặc biệt là những tuyến cao tốc đi qua tỉnh Đồng Nai như Biên Hoà – Vũng Tàu, Dầu Giây – Tân Phú đang triển khai cấp tốc sẽ là động lực chính làm cho Đồng Nai chiếm vị trí kinh tế cao trong khu vực Đông Nam bộ.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia quy hoạch vùng nhận định: “Không có hệ thống hạ tầng tích hợp, không thể nói tới một vùng kinh tế hiện đại. Hạ tầng phải đi trước một bước, là nền móng để kích hoạt đầu tư, công nghiệp hóa và đô thị hóa có chất lượng”.

Chuyển đổi số – kinh tế xanh – liên kết vùng là trụ cột chính phát triển Đồng Nai

Khi việc liên kết vùng đã được nâng lên thành yêu cầu thể chế thì việc thành lập Ban điều phối vùng Đông Nam bộ có vai trò định hướng chiến lược, điều tiết và phân bổ nguồn lực phát triển, là giải pháp quan trọng để xóa bỏ tình trạng các địa phương tự vận hành theo cách riêng.

Điều này càng có ý nghĩa khi cả vùng Đông Nam bộ đang đồng thời triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm như: sân bay quốc tế Long Thành, Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, TP.HCM – Mộc Bài và các trung tâm logistics kết nối cảng biển, cảng hàng không quốc tế.

Các tuyến cao tốc đang giúp Đồng Nai mở rộng liên kết vùng để phát triển kinh tế. Ảnh Thiên Phúc

Bên cạnh đó, công tác về chuyển đổi số được xác định là động lực tăng trưởng cốt lõi trong thời kỳ mới. Khi TP.HCM mới tiên phong xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, hệ thống dữ liệu liên thông thì Đồng Nai cần phải tích cực phát triển nền tảng số cho nông nghiệp, thương mại, dịch vụ công, đặc biệt là đưa công nghệ AI vào công tác hành chính công để giải quyết bài toán phát triển kinh tế số của địa phương.

Chuyển đổi số đang trở thành mục tiêu quốc gia giúp địa phương tăng trưởng kinh tế. Ảnh Báo Đồng Nai

Ngoài ra, xây dựng đô thị hóa xanh và thông minh đang trở thành xu hướng tất yếu của các nền kinh tế phát triển. Trước đây, vấn đề đầu tư đô thị khá dàn trải thì hiện tại quy hoạch cần hướng đến xây dựng các đô thị vệ tinh, đô thị công nghiệp, công nghệ cao, các khu đô thị sinh thái ven sông, ven biển, giảm áp lực lên đầu tàu kinh tế là TP.HCM. Đồng thời, các chính sách phát triển năng lượng tái tạo, giao thông công cộng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường sẽ được triển khai đồng bộ để tăng sức chống chịu của đô thị trước biến đổi khí hậu.

Theo đó, tỉnh Đồng Nai cũng đang chủ động rà soát các phương án phát triển không gian vùng, trong đó có khả năng nghiên cứu đề xuất kết nối hành chính, kinh tế giữa huyện Nhơn Trạch và TP.HCM trong dài hạn. Đây được xem là một hướng đi phù hợp với mục tiêu phát triển không gian liên thông vùng đô thị trung tâm, kết nối đa chiều giữa các cực tăng trưởng.

Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 370/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đưa Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, bền vững, là trung tâm kinh tế tri thức, tài chính, công nghiệp công nghệ cao, logistics và đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á.

Theo Tú San

Báo Dân Việt