Đồng USD lao dốc bất thường
Trong số những mối đe dọa mà chính sách thuế quan gây ra cho nền kinh tế Mỹ, không điều gì kỳ lạ bằng làn sóng bán tháo đồng USD gần đây, theo AP.

Tỷ giá tiền tệ thường biến động do lo ngại lạm phát, chính sách của ngân hàng trung ương và nhiều yếu tố khác. Nhưng các nhà kinh tế lo ngại rằng đợt giảm giá gần đây của đồng USD diễn ra quá mạnh và đột ngột, có thể phản ánh điều gì đó đáng lo ngại hơn khi Tổng thống Donald Trump tìm cách định hình lại thương mại toàn cầu.
Sự thống trị của đồng USD trong thương mại xuyên biên giới và vai trò là nơi trú ẩn an toàn đã được cả hai đảng của Mỹ nuôi dưỡng trong nhiều thập kỷ. Điều này giúp Mỹ giảm chi phí vay nợ và cho phép Washington mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu…
“Niềm tin và sự phụ thuộc toàn cầu vào đồng USD đã được xây dựng qua hơn nửa thế kỷ”, nhà kinh tế Barry Eichengreen thuộc Đại học California, Berkeley nhận định. “Nhưng tất cả có thể sụp đổ chỉ trong chớp mắt”.
Kể từ giữa tháng 1, đồng USD đã giảm 9% so với rổ tiền tệ quốc tế – mức giảm hiếm gặp và sâu, đưa USD xuống mức thấp nhất trong ba năm qua.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại về Trump không nghĩ rằng đồng USD sẽ ngay lập tức bị truất ngôi khỏi vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu, mà thay vào đó là một quá trình suy yếu dần. Nhưng ngay cả điều đó cũng đủ đáng sợ, bởi những lợi ích mất đi là không nhỏ.
Với phần lớn hàng hóa trên thế giới được giao dịch bằng USD, nhu cầu đối với đồng tiền này vẫn duy trì mạnh mẽ ngay cả khi Mỹ đã tăng gấp đôi nợ công trong 12 năm qua và thực hiện nhiều chính sách thường khiến nhà đầu tư rút lui. Điều này cho phép chính phủ, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ vay với lãi suất thấp bất thường, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống…
Đồng USD lao dốc bất thường
“Các đặc điểm trú ẩn an toàn của đồng USD đang bị xói mòn”, Deutsche Bank cảnh báo khách hàng trong một báo cáo gần đây về “khủng hoảng niềm tin”. Một báo cáo thận trọng hơn từ Capital Economics cho rằng: “Không còn là phóng đại khi nói rằng vị thế dự trữ và vai trò thống trị của đồng USD đang ít nhiều bị nghi ngờ”.
Thông thường, khi thuế quan được áp dụng khiến hàng nhập khẩu giảm, đồng USD sẽ mạnh lên.
Nhưng lần này, đồng USD không những không tăng mà còn giảm sâu, gây hoang mang cho các nhà kinh tế và làm tổn hại người tiêu dùng. Kể từ đầu tháng 4, USD đã mất hơn 5% giá trị so với euro và bảng Anh, và giảm 6% so với yên Nhật.
Người Mỹ đi du lịch nước ngoài đều hiểu rõ: đồng USD càng mạnh thì mua sắm càng có lợi, yếu đi thì chi tiêu đắt đỏ hơn. Giờ đây, giá rượu vang Pháp, thiết bị điện tử Hàn Quốc và hàng loạt mặt hàng nhập khẩu khác có thể tăng không chỉ vì thuế quan mà còn do đồng USD yếu đi.
Ngoài ra, nếu USD mất vai trò trú ẩn an toàn, người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ đối mặt với lãi suất cao hơn cho vay mua nhà, mua xe, vì các nhà cho vay sẽ đòi hỏi mức lãi cao hơn để bù đắp rủi ro.
Nỗi lo từ nợ công
Điều đáng lo hơn là lãi suất cao hơn cho khoản nợ công khổng lồ của Mỹ, vốn đã lên tới 120% GDP quốc gia – một tỷ lệ cực kỳ rủi ro.
“Phần lớn quốc gia có mức nợ như vậy sẽ rơi vào khủng hoảng lớn, và lý do duy nhất Mỹ thoát được là vì thế giới cần USD để giao thương”, ông Benn Steil, nhà kinh tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho biết. “Nhưng đến một lúc nào đó, thế giới sẽ bắt đầu nghiêm túc cân nhắc các lựa chọn thay thế đồng USD”…
Trung Quốc đã ký kết nhiều thỏa thuận thương mại sử dụng nhân dân tệ (yuan) với Brazil (hàng nông sản), Nga (dầu mỏ), Hàn Quốc (các mặt hàng khác). Trung Quốc cũng cho vay bằng nhân dân tệ cho các ngân hàng trung ương của Argentina, Pakistan và nhiều nước đang gặp khó khăn khác, thay thế vai trò “người cho vay cuối cùng” mà trước đây thuộc về Mỹ.
Trong tương lai, tiền mã hóa cũng có thể trở thành một lựa chọn thay thế nếu quy mô thị trường đủ lớn.
Chủ tịch BlackRock, ông Larry Fink, đã cảnh báo trong thư gửi cổ đông rằng: “Nếu thâm hụt ngân sách của Mỹ tiếp tục phình to, nước Mỹ có thể đánh mất vị thế hiện tại vào tay các tài sản kỹ thuật số như Bitcoin.”
Nhà đầu tư hoang mang
Tuy vậy, không phải ai cũng cho rằng đồng USD giảm là do mất niềm tin vào nước Mỹ.
Ông Steve Ricchiuto, nhà kinh tế tại Mizuho Financial, cho rằng đồng USD yếu đi là do kỳ vọng lạm phát sẽ tăng vì thuế quan. Nhưng ngay cả khi nhà đầu tư không còn thoải mái nắm giữ USD, họ cũng không có nhiều lựa chọn. Không đồng tiền hay tài sản nào hiện nay – như nhân dân tệ, bitcoin hay vàng – đủ lớn để thay thế USD.
“Mỹ sẽ mất vị thế tiền tệ dự trữ toàn cầu khi có ai đó đủ sức để thay thế, và hiện tại thì chưa có”, Ricchiuto nói.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump đang thử thách giới hạn ấy.
Không chỉ là thuế quan, mà chính cách triển khai thiếu nhất quán, đầy bất ngờ mới khiến thị trường hoảng loạn. Sự khó đoán khiến Mỹ trông có vẻ kém ổn định, kém đáng tin cậy, và không còn là nơi an toàn để giữ tài sản.
Chưa kể, lập luận của ông Trump khi bảo vệ chính sách thuế quan cũng bị đặt dấu hỏi. Ông cho rằng thuế quan sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại – điều mà ông coi là bằng chứng cho thấy các quốc gia khác “đang lợi dụng” nước Mỹ. Tuy nhiên, ông chỉ tính thâm hụt hàng hóa, không tính dịch vụ – lĩnh vực mà Mỹ có thế mạnh. Đa số các nhà kinh tế cho rằng thâm hụt thương mại không phải là dấu hiệu yếu kém, vì nó không ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng hay sự thịnh vượng.
Ông Trump cũng nhiều lần đe dọa can thiệp vào tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), khiến lo ngại ông sẽ ép lãi suất xuống để kích thích kinh tế, ngay cả khi điều đó dẫn đến lạm phát phi mã – kịch bản có thể khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi đồng USD. Sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố sẽ chờ đợi trước khi điều chỉnh lãi suất, Trump đã tức giận tuyên bố: “Việc sa thải Powell không thể đến sớm hơn!”…
Ông Eichengreen từ Berkeley cảnh báo rằng “Ngày Giải phóng” – cách Trump gọi ngày 2/4 – có thể bị lịch sử ghi nhớ là bước ngoặt mất niềm tin vào đồng USD nếu ông không thận trọng.
“Đây có thể là bước đầu tiên trượt dài dẫn đến việc thế giới đánh mất niềm tin vào đồng USD”.
Theo Anh Mai (t.h. AP)
Tạp chí Thanh Niên Việt