Giải mã sức hút của vùng đất tại tỉnh giàu có của Việt Nam: Dù nằm ngoài diện sáp nhập vào TP. HCM nhưng đất nền vẫn ‘nóng’
Mặc dù không sáp nhập vào TP. HCM nhưng lượt tìm kiếm đất nền ở khu vực này vẫn tăng vọt 142% chỉ trong vòng một tháng.
Nghị quyết số 60-NQ/TW cho thấy huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) không nằm trong danh sách hợp nhất với TP. HCM. Dù vậy, giữa “sóng sáp nhập”, bất động sản tại đây lại không có dấu hiệu hạ nhiệt khi lượt tìm kiếm vẫn tăng mạnh, đâu là nguyên nhân?
Theo ghi nhận mới nhất vào những ngày trung tuần tháng 4/2025, thị trường đất nền huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho thấy không khí mua bán vẫn diễn ra vô cùng sôi động.
Tại cơ quan một cửa của huyện của Nhơn Trạch và các phòng công chứng tại địa phương, người mua vẫn phải xếp hàng dài do lượng hồ sơ có sự tăng mạnh.

Là cửa ngõ chiến lược của tỉnh Đồng Nai, Nhơn Trạch từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư bất động sản. Trước cả khi thông tin sáp nhập với TP. HCM rộ lên, khu vực này đã sở hữu nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi” khiến sức cầu tăng mạnh.
Dữ liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, chỉ trong một tháng, lượng tìm kiếm đất nền tại Nhơn Trạch tăng tới 142%. Tuy vậy, các chuyên gia nhấn mạnh, đây không chỉ là “hiệu ứng tâm lý” mà còn phản ánh nhu cầu thật dựa trên tiềm lực phát triển dài hạn của khu vực.
Với ba mặt giáp sông, giáp ranh TP. HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và gần sân bay quốc tế Long Thành, Nhơn Trạch giữ vị trí then chốt trong tam giác kinh tế Đông Nam Bộ. Sự kết nối liên vùng đang ngày càng rõ nét khi hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai rầm rộ: Đường Vành đai 3 đoạn qua Đồng Nai đang thi công khẩn trương; cầu Nhơn Trạch – thuộc dự án thành phần 1A – đang trong giai đoạn trải nhựa, dự kiến thông xe kỹ thuật trước ngày 30/4/2025.

Các tuyến đường trục như Tôn Đức Thắng (25B) và Nguyễn Ái Quốc (25C) cũng đang tăng tốc để hoàn thành vào tháng 8/2025.
Thêm vào đó, Bộ Xây dựng mới đề xuất Thủ tướng giao TP. HCM làm cơ quan chủ quản đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành với tổng vốn 3,5 tỷ USD. Khi hoàn thành, tuyến này không chỉ giảm tải cho cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây mà còn tăng khả năng kết nối và khai thác tiềm năng du lịch, logistics, kéo theo làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào khu vực.
Nhìn lại hành trình 30 năm phát triển kể từ ngày thành lập (1/9/1994), Nhơn Trạch đã có bước chuyển mình đáng kinh ngạc: Từ một huyện có tới 80% dân số làm nông nghiệp, nay công nghiệp và dịch vụ chiếm hơn 99%. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 50 lần so với năm 1995. Huyện hiện có 9 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.600 ha, thu hút 617 dự án đầu tư – một con số biết nói.
Trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Nhơn Trạch được định hướng trở thành thành phố công nghiệp – cảng biển thông minh – và đầu mối giao thông trọng yếu kết nối với TP. HCM. Đây là một tương lai được hoạch định rõ ràng, không đơn thuần dựa trên kỳ vọng thị trường.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn lưu ý các nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn khi tham gia thị trường Nhơn Trạch. Những yếu tố như hạ tầng, tốc độ đô thị hóa, dân số cơ học… mới là động lực thật sự thúc đẩy giá trị bất động sản trong tương lai.
Thị trường hiện tại vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng sự bền vững sẽ đến từ sự đầu tư bài bản – chứ không phải từ làn sóng lướt sóng ngắn hạn.
Theo thống kê, top 5 địa phương có quy mô kinh tế (GRDP) lớn nhất cả nước năm 2024 gồm TP. HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng. Trong đó, GRDP của tỉnh Đồng Nai (theo giá so sánh năm 2010) đạt hơn 260.200 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 8,02% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này không chỉ vượt mục tiêu đề ra (từ 6,5% đến 7%) mà còn cao hơn mức tăng trưởng của năm 2023 (5,41%).
Bên cạnh đó, GRDP bình quân đầu người tại Đồng Nai ước đạt 148,94 triệu đồng, vượt qua mục tiêu 148 triệu đồng/người.
Theo An Nhiên
reatimes.vn